Xây dựng huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 trong số các huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh

· Blog

(TTV) - Huyện Cẩm Thủy có đầy đủ tiềm năng, lợi thế và thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững hơn, phấn đấu đến năm 2025 trong số các huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh. Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Cẩm Thủy sáng nay 23/9. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy.

 Tin mới nhất:

Trước khi làm việc với Ban Thường vụ huyện ủy Cẩm Thủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các thành viên trong đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung của huyện Cẩm Thủy, đặt tại khu công sở cũ của xã Cẩm Sơn, nay thuộc thị trấn Phong Sơn. Từ khi thành lập, đi vào hoạt động đến nay, khu cách ly tập trung đã tiếp nhận, tổ chức cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID–19 đối với 594 công dân. Hiện đã có 569 công dân hoàn thành thời gian cách ly, còn 25 công dân đang thực hiện cách ly. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, biểu dương các lực lượng khung cách ly đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, quản lý, vận hành khu cách ly tập trung theo đúng quy định, đảm bảo an toàn. Qua đó, góp phần vào kết quả phòng chống dịch của huyện Cẩm Thủy nói riêng và cả tỉnh nói chung. Cho đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy chưa có ca lây nhiễm COVID–19 trong cộng đồng, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, huyện Cẩm Thủy cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh, giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh vào địa bàn, giám sát việc cách ly tập trung và cách ly tại nhà theo đúng quy định, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 kịp thời, đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn.

Đến thăm, kiểm tra hoạt động của nhà máy sợi dệt An Phước, đóng trên địa bàn xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao nỗ lực của Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư và thương mại An Phước trong quá trình triển khai dự án. Đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, nhà máy có công suất 1.700 tấn sợi gai và 1.400 tấn bông gai mỗi năm. Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định,UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt vùng nguyên liệu 6.500 ha cây gai xanh trên địa bàn 12 huyện trong tỉnh. Mới đây, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa 18 cũng đã thông qua chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ trồng được 600 ha trồng cây gai xanh. Công ty đã phải mở rộng phát triển vùng nguyên liệu sang các tỉnh phía Bắc, nhưng lượng nguyên liệu cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất của nhà máy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chia sẻ với những khó khăn ban đầu của nhà máy, đồng thời khẳng định: tỉnh và các địa phương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng phối hợp để tháo gỡ, khắc phục các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà máy hoạt động ổn định và hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng: sau khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, giá trị và hiệu quả kinh tế của cây gai xanh được khẳng định, chắc chắn việc phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu sẽ thuận lợi hơn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng ghi nhận kiến nghị của lãnh đạo Công ty về việc đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất, chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng liên quan xem xét, giải quyết.

Theo báo cáo của huyện Cẩm Thủy, 9 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID–19, nhưng trong số 27 chỉ tiêu theo nghị quyết năm 2021, đến nay đã có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế tăng cao so với cùng kỳ. Sản xuất nông - lâm nghiệp được quan tâm chỉ đạo. Trên địa bàn đã hình thành một số vùng liên kết trồng ớt xuất khẩu, rau an toàn, lúa năng suất cao; mở rộng vùng chuyên canh cây ngô, mía đường, cây gai xanh, đem lại giá trị thu nhập cao. Đến nay, toàn huyện có 06 xã, 70 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đã đạt 17,1 tiêu chí/xã. Sản xuất công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 21,31%, xây dựng tăng 18,23% so với cùng kỳ. Các hoạt động dịch vụ, thương mại duy trì ổn định, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Cùng với ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà huyện Cẩm Thủy đạt được trong 9 tháng năm 2021, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành cấp tỉnh cũng phân tích, làm rõ hơn về những tiềm năng, lợi thế nổi trội, những thời cơ thuận lợi của địa phương; gợi mở những định hướng lớn cho sự phát triển trên các lĩnh vực thời gian tới; đồng thời giải đáp những đề xuất, kiến nghị của huyện.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cẩm Thủy đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong suốt những năm qua và 9 tháng năm 2021.

Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ: kinh tế của huyện phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nguồn lực trên địa bàn; các ngành, lĩnh vực vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phát triển Đảng viên, nhất là Đảng viên là người dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Tư tưởng bảo thủ, ngại khó, bằng lòng, thỏa mãn, trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn.

Phân tích, nhấn mạnh những tiềm năng, lợi thế nổi trội của huyện Cẩm Thủy, đặc biệt là lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, văn hóa, con người, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, là 1 trong số các huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh; trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện, trước hết là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách làm việc, sâu sát, quyết liệt, cụ thể hơn.

Huyện cần rà soát lại toàn bộ các công việc đã triển khai, thực hiện từ sau Đại hội Đảng bộ huyện đến nay; cập nhật, bổ sung các nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, các chương trình trọng tâm, kế hoạch thực hiện các khâu đột phá của tỉnh, để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch của huyện. Trong đó, phải làm rõ nội dung từng việc, dự kiến nguồn lực và phân công trách nhiệm cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; xác định thời gian và dự kiến kết quả theo tiến độ. Trong phát triển doanh nghiệp, bên cạnh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, cần phải chú ý cả chất lượng doanh nghiệp, đồng thời quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiện có.

Huyện Cẩm Thủy phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả "Mục tiêu kép", vừa chủ động, quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Khẩn trương rà soát, đánh giá chính xác kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ 9 tháng năm 2021, đối với những chỉ tiêu đạt cao so với kế hoạch cả năm thì phải tiếp tục phát huy; những chỉ tiêu đạt thấp phải làm rõ nguyên nhân, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển năm 2022 sát với thực tế và có tính phấn đấu cao.

Huyện cần khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch vùng huyện và các quy hoạch quan trọng khác trên địa bàn. Trên cơ sở đó, tổ chức triển khai thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch để kêu gọi, thu hút đầu tư, góp phần tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, có nhà đầu tư tốt. Do đó, phải chú ý đến chất lượng quy hoạch, phải có tầm nhìn để khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tạo ra được động lực mới cho phát triển.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: trong những năm tới, huyện Cẩm Thủy vẫn phải xác định nông nghiệp là nền tảng kinh tế. Vì vậy, phải từng bước sắp xếp lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Trong đó, cây lương thực là chủ đạo, cây công nghiệp gắn với các nhà máy chế biến là thế mạnh, cùng với các loại cây ăn quả, cây dược liệu và trồng rừng gỗ lớn tạo nên ngành trồng trọt đa dạng của huyện. Huyện cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hình thành cánh đồng sản xuất lớn; đồng thời, rà soát diện tích các loại cây trồng năng suất thấp để chuyển sang các cây trồng có giá trị cao hơn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải hợp lý, đảm bảo hài hòa, gắn với các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ, không được để xảy ra tình trạng trồng theo phong trào rồi lại chặt bỏ theo phong trào khi tiêu thụ bất lợi. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, phát triển cần phải gắn chặt với bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, huyện Cẩm Thủy cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: sản xuất điện, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi và hàng may mặc, giày da. Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống có thế mạnh, để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư; khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế để hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 217, các tuyến tỉnh lộ. Phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử của các di tích, danh thắng trên địa bàn để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Chăm lo hơn nữa đến phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao, phấn đấu trở thành huyện dẫn đầu trong các huyện miền núi của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất người dân. Chú trọng công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đổi mới hoạt động của các tổ chức đoàn thể, quyết tâm đưa phong trào của huyện Cẩm Thủy phát triển mạnh mẽ, trong số các huyện dẫn đầu phong trào thi đua khu vực miền núi của tỉnh.

Nguồn: https://truyenhinhthanhhoa.vn/xay-dung-huyen-cam-thuy-den-nam-2025-trong-so-cac-huyen-dan-dau-khu-vuc-mien-nui-cua-tinh-1808364977.htm